Địa lý Thổ_Nhĩ_Kỳ

Bản đồ địa hình Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia liên lục địa[110] Á-Âu. Phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Á chiếm 97% diện tích toàn quốc, tách khỏi phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Âu qua eo biển Bosphorus, biển Marmara và eo biển Dardanelles. Phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Âu chiếm 3% diện tích toàn quốc.[111]Lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ dài trên 1.600 km và rộng trên 800 km, có hình dạng gần giống hình chữ nhật.[112] Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa các vĩ độ 35° và 43° Bắc, và các kinh độ 25° và 45° Đông. Diện tích của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm cả mặt hồ, là 783.562 km²[113], trong đó 755.688 km² nằm tại Tây Nam Á và 23.764 km² nằm tại châu Âu.[112] Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia lớn thứ 37 thế giới xét theo diện tích. Quốc gia này có biển bao quanh tại ba mặt: biển Aegea tại phía tây, biển Đen tại phía bắc và Địa Trung Hải tại phía nam. Thổ Nhĩ Kỳ có biển Marmara tại phía tây bắc.[114]

Phần thuộc châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ là Đông Thrace, có biên giới với Hy Lạp và Bulgaria. Phần thuộc châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ là Anatolia, gồm một cao nguyên trung ương có độ cao lớn cùng các đồng bằng duyên hải hẹp, nằm giữa các dãy núi Köroğlu và Pontic tại phía bắc và Taurus tại phía nam. Miền đông của Thổ Nhĩ Kỳ có cảnh quan đồi núi hơn và là nguồn của các sông như Euphrates, TigrisAras, và có điểm cao nhất Thổ Nhĩ Kỳ là Núi Ararat với cao độ 5.137 m,[115] và hồ lớn nhất toàn quốc là hồ Van.[116]

Thổ Nhĩ Kỳ được phân thành bảy khu vực điều tra nhân khẩu: Marmara, Aegea, Biển Đen, Trung Anatolia, Đông Anatolia, Đông Nam Anatolia và Địa Trung Hải. Địa hình gồ ghề tại phía bắc Anatolia dọc theo biển Đen giống như một dải dài và hẹp. Như khuynh hướng chung, cao nguyên Anatolia nội lục ngày càng gồ ghề khi đi về phía đông.[114]

Cảnh quan đa dạng của Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của các hoạt động địa chất phức tạp, tạo thành hình khu vực trong hàng nghìn năm và vẫn biểu thị thông qua các trận động đất khá thường xuyên và thỉnh thoảng là phun trào núi lửa. Các eo biển BosphorusDardanelles xuất hiện do đường đứt gãy chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, đường đứt gãy này là nguyên nhân dẫn đến hình thành biển Đen. Tồn tại một đường đứt gãy động đất chạy qua phía bắc của quốc gia từ tây sang đông.[36]

Đa dạng sinh học

Tu viện Sümela trên dãy núi Pontic. Những ngọn núi này tạo thành một khu vực sinh thái với các loại rừng mưa ôn đới đa dạng.

Hệ sinh thái đặc biệt và sự đa dạng về môi trường sống của Thổ Nhĩ Kỳ sản sinh đa dạng đáng kể về loài.[117] Anatolia là quê hương của nhiều loài thực vật đã được canh tác để làm thực phẩm từ khi xuất hiện nông nghiệp, và các tổ tiên hoang dã của nhiều thực vật mà hiện cung cấp lương thực cho nhân loại vẫn mọc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đa dạng của động vật tại Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn lớn hơn của thực vật, số lượng loài động vật trên toàn châu Âu là khoảng 60.000; tại Thổ Nhĩ Kỳ có trên 8.000.[118]

Rừng hạt trần và rụng lá Bắc Anatolia là một hệ sinh thái bao trùm hầu hết Dãy núi Pontic tại miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi rừng hỗn hợp Kavkaz trải rộng khắp cực đông của dãy núi. Khu vực này là nơi sống của các loại động vật hoang dã Âu-Á như cắt hỏa mai, đại bàng vàng, đại bàng đầu nâu, Clanga pomarina, gà gô Kavkaz, bạch yến trán đỏ, và Tichodroma muraria.[119] Dải duyên hải hẹp giữa dãy núi Pontic và biển Đen có rừng rụng lá Euxine-Colchic, gồm một số trong số ít khu rừng mưa ôn đới của thế giới.[120]

Thổ Nhĩ Kỳ có 40 công viên quốc gia, 189 công viên tự nhiên, 31 khu vực bảo tồn tự nhiên, 80 khu vực bảo tồn loài hoang dã và 109 di tích tự nhiên như Công viên quốc gia lịch sử Gallipoli, Công viên quốc gia núi Nemrut, Công viên quốc gia Troy cổ đại, Công viên tự nhiên Ölüdeniz và Công viên tự nhiên Polonezköy.[121]

Ankara nổi tiếng với mèo Angora, thỏ Angora và dê Angora. Giống mèo quốc gia khác của Thổ Nhĩ Kỳ là mèo Van. Các giống chó quốc gia là chó chăn cừu Anatolia, Kangal, Malaklı và Akbaş.[122]

Khí hậu

Biểu đồ khí hậu của Thổ Nhĩ Kỳ[123]

Các khu vực duyên hải của Thổ Nhĩ Kỳ giáp với biển Aegea và Địa Trung Hải có khí hậu Địa Trung Hải ôn hòa, với mùa hè nóng khô và mùa đông mát ẩm.[123] Các khu vực duyên hải giáp với biển Đen có khí hậu đại dương ôn hòa với mùa hè ấm ẩm và mùa đông lạnh ẩm.[123] Duyên hải biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ nhận lượng giáng thủy lớn nhất và là khu vực duy nhất trong nước nhận được lượng giáng thủy cao suốt năm.[123] Phần phía đông của khu vực duyên hải này nhận được lượng giáng thủy hàng năm là 2.200 milimét (87 in), cao nhất toàn quốc.[123]

Các khu vực duyên hải giáp với biển Marmara có khí hậu chuyển tiếp giữa khí hậu Địa Trung Hải ôn hòa và khí hậu đại dương ôn hòa, với mùa hè từ ấm đến nóng và tương đối khô cùng mùa mưa từ mát đến lạnh và ẩm.[123] Tuyết rơi tại các khu vực duyên hải của biển Marmara và biển Đen hầu như tất cả mùa đông, song thường tan trong một vài ngày.[123] Tuy nhiên, tuyết hiếm khi rơi tại các khu vực duyên hải giáp với biển Aegea và rất hiếm tại các khu vực duyên hải giáp với Địa Trung Hải.[123]

Các ngọn núi gần bờ biển ngăn các ảnh hưởng Địa Trung Hải mở rộng đến nội lục, khiến miền trung cao nguyên Anatolia có khí hậu lục địa với các mùa tương phản mạnh.[123] Mùa đông tại phần phía đông của cao nguyên đặc biệt khắc nghiệt.[123] Nhiệt độ −30 đến −40 °C (−22 đến −40 °F) có thể xuất hiện tại miền đông Anatolia.[123] Tại phía tây, nhiệt độ trung bình mùa đông dưới 1 °C (34 °F).[123] Mùa hè nóng và khô, với nhiệt độ thường trên 30 °C (86 °F) vào ban ngày.[123] Lượng giáng thủy trung bình năm là khoảng 400 mm, thay đổi theo độ cao. Các khu vực khô nhất là đồng bằng Konya và đồng bằng Malatya, tại đó lượng mưa hàng năm thường dưới 300 mm (12 in). Tháng 5 thường là tháng mưa nhiều nhất, còn tháng 7 và tháng 8 là các tháng khô nhất.[123]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thổ_Nhĩ_Kỳ http://www.aci.aero/Data-Centre/Monthly-Traffic-Da... http://servat.unibe.ch/icl/tu00000_.html http://www.allaboutturkey.com/sports.htm http://www.allaboutturkey.com/sufi.htm http://www.allaboutturkey.com/turkfauna.htm http://www.allaboutturkey.com/yagligures.htm http://www.atelyemim.com/mimari/ramada_eng.html http://www.atimes.com/atimes/Middle_East/LB18Ak04.... http://washpost.bloomberg.com/Story?docId=1376-MI9... http://www.bloomberg.com/news/2013-05-16/turkey-ra...